Sản xuất Xác ướp (phim 1932)

Áp phích phim với dòng chữ: "Karloff the uncanny in The Mummy"

Lấy cảm hứng từ sự kiện lăng mộ Tutankhamun năm 1922 và những lời nguyền của pharaon, nhà sản xuất Carl Laemmle Jr. đã yêu cầu biên tập Richard Schayer tìm một cuốn tiểu thuyết để từ đó hình thành cơ sở cho một bộ phim kinh dị mang hơi hướm Ai Cập cổ đại. Schayer không tìm thấy tư liệu nhưng những ý tưởng ban đầu của phim có nhiều điểm tương đồng với câu truyện ngắn được viết bởi Arthur Conan Doyle là Chiếc nhẫn của Thoth. Schayer và nhà văn Nina Wilcox Putnam bắt đầu tìm hiểu về Alessandro Cagliostro và viết ra một tư liệu dài 9 trang, đặt tựa là Cagliostro. Câu chuyện đặt bối cảnh ở San Francisco, kể về một nhà ảo thuật gia sống qua 3000 năm thông qua khí nitrat, thay vì thông qua sức mạnh siêu nhiên như trong trường hợp của Imhotep. Laemmle khá thích ý tưởng này và đã thuê John L. Balderston để viết kịch bản. Balderston đã đóng góp vào các bộ phim Dracula và Frankenstein, ngoài ra ông cũng là nhà báo đã viết về sự kiện mở lăng mộ Tutankhamun cho thời báo New York World nên ít nhiều đã khá quen thuộc với chủ đề khai quật lăng mộ. Balderston thay đổi bối cảnh phim thành Ai Cập, đổi tên bộ phim và đặt tên nhân vật là Imhotep (dựa trên nhà kiến trúc sư nổi tiếng thời Ai Cập cổ đại). Ông cũng thay đổi phần nội dung: từ việc trả thù những nhân vật mang dáng dấp người tình cũ của nhân vật chính; thành việc cố gắng hồi sinh người tình thông qua việc giết bản thể đầu thai, ướp xác sau đó hồi sinh thông qua phép thuật trong cuộn giấy của Thoth.[1] Balderston tạo ra cuộn giấy của Thoth để mang tới tính xác thực cho câu chuyện. Thoth là người thông thái nhất trong các vị thần Ai Cập và đã giúp Isis đưa Osiris trở lại cuộc sống sau khi bị sát hại. Thoth được tin rằng chính là tác giả của Cuốn sách của người chết, và không nghi ngờ rằng đây chính là cuốn sách truyền cảm hứng để Balderston tạo ra cuộn giấy của Thoth.

Karl Freund, nhà quay phim cho Dracula, được lựa chọn trở thành đạo diễn.[2] Bộ phim được đổi tựa đề thành Xác Ướp. Freund lựa chọn Zita Johann vào vai công chúa Ankh-es-en-amon, dựa theo tên người vợ duy nhất của Tutankhamun. Xác ướp của Ankhesenamon không được tìm thấy tại lăng mộ của Pharaon Tutankhamun và nơi yên nghỉ của bà vẫn còn là một bí ẩn. Tuy vậy tên bà vẫn được công chúng biết đến rộng rãi và gây được sự chú ý tới nhiều người trong thời kỳ hậu Tutankhamun. Quá trình làm phim được lên kế hoạch trong vòng 3 tuần. Trong ngày đầu tiên, đoàn làm phim tập trung vào cảnh quay Boris Karloff trong vai xác ướp, trỗi dậy từ quan tài của mình. Nhà hóa trang Jack Pierce đã nghiên cứu ảnh chụp xác ướp của Seti I để thiết kế vẻ ngoài của Imhotep. Tuy vậy, Karloff trong không giống Seti I ở bất kỳ điểm nào khi lên phim, thay vào đó lại trông giống Ramesses III. Pierce bắt đầu hóa trang cho Karloff vào 11 giờ sáng, trang điểm bông, thuốc dán, chất kết dính lên mặt, bôi đất sét lên tóc và cuốn vải lanh được hòa với acid cháy lấy từ lò nướng; việc hóa trang kết thúc vào lúc 7 giờ chiều. Karloff kết thúc phân cảnh của mình vào lúc 2 giờ sáng, và dành thêm 2 tiếng nữa để gỡ bỏ lớp hóa trang. Karloff thấy rằng việc gỡ bỏ chất dính trên mặt mình rất đau đớn và chia sẻ rằng đây là một trong những thử thách khó khăn nhất mà ông phải chịu đựng. Mặc dù hình ảnh Karloff cuốn trong vải băng trở thành biểu tượng của bộ phim, ông cũng chỉ xuất hiện trong bộ dạng này một vài phút trong bộ phim; những cảnh phim sau Karloff xuất hiện với lớp hóa trang ít kỹ lưỡng hơn.

Bộ phim cũng có những cảnh quay hồi tưởng dài và chi tiết. Những cảnh hồi tưởng này cho người xem thấy được từng nhân dạng đầu thai của Ankh-es-en-Amon qua từng thế kỷ: Henry Victor được liệt kê trong danh sách cuối phim với tư cách là "Chiến binh Saxon", mặc dù những phân cảnh của anh đã bị xóa khỏi phim.